Sau khi kết thúc xét tuyển NV3, một tình cảnh chung xảy ra với các ĐH, CĐ là tuyển không đủ chỉ tiêu đào tạo. Không ít trường phải đóng cửa một số ngành học, vì không có thí sinh.
Theo nhiều chuyên gia, sau 7 năm thực hiện ba chung, lần đầu tình hình tuyển sinh năm 2009 có diễn biến “khác thường” và khó khăn như vậy.
Có nhiều lý giải cho thực trạng “cạn” nguồn tuyển như kết quả thi thấp, điểm sàn cao trong khi hầu hết trường tăng chỉ tiêu tuyển mới trung bình 10 - 20% so với năm 2008… Tuy nhiên, ở góc độ khác, việc khó khăn trong tuyển sinh, đặc biệt ở các trường ngoài công lập và những ngành học “chết yểu” đã bộc lộ “mặt trái” trong đào tạo ĐH hiện nay: chạy theo số lượng, quên đi chất lượng, bỏ qua nhu cầu xã hội.
“Tại anh, tại ả”
Cụ thể, sau khi kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển NV3 (hôm 30.9), ĐH Văn Hiến ngưng đào tạo 5 ngành trong năm học 2009 - 2010 vì lượng thí sinh đăng ký xét tuyển không đủ để đào tạo, gồm: Điện tử - Viễn thông, Xã hội học, Văn hóa học, Việt Nam học, Tiếng Anh kinh thương.

Kết thúc mùa tuyển sinh 2009, nhiều ngành học phải đóng cửa vì thiếu sinh viên. Ảnh: Trung Kiên
Mặc dù không phải đóng cửa nhưng nhiều trường đã phải chọn phương án… học ghép đối với các ngành thiếu thí sinh. Điển hình như ngành Tiếng Nhật của ĐH Hùng Vương chỉ tuyển được bốn thí sinh nên cũng đành ngậm ngùi “đóng cửa” ngành. Hay ĐH Kỹ thuật công nghệ TP HCM cũng phải đưa ra phương án học ghép đối với các ngành Công nghệ tự động, tiếng Anh vào chung với Cơ khí tự động bởi hai ngành này không đủ sinh viên để mở lớp. Một số ngành học của ĐH Ngoại ngữ - Tin học cũng chung cảnh thiếu vắng thí sinh.
Thống kê sơ bộ cho thấy, hầu hết ngành học “chết yểu” đều là của các ĐH ngoài công lập. Trong khi đó, thực tế hàng nghìn thí sinh vẫn chen chân vào các ngành khối Kinh tế, Tài chính - Ngân hàng, Du lịch… cho thấy, thí sinh đã biết chọn những ngành nghề nhu cầu xã hội đang cần, dễ kiếm việc làm sau khi ra trường.
Với thực trạng đào tạo hiện nay, có thể dễ dàng nhận thấy, những ngành học thiếu vắng thí sinh một phần cũng bởi nó không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Nhiều trường đăng ký mở ngành mới và tổ chức đào tạo những ngành ít phải đầu tư vào máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm, nhà xưởng như kinh tế, kế toán, tin học ứng dụng, văn thư lưu trữ, ngoại ngữ. Số này chiếm 40 - 50% quy mô đào tạo toàn quốc.
Nhiều ngành đào tạo sẽ được gọi đúng tên
Mới đây, Bộ GD - ĐT và các ĐH, CĐ trên toàn quốc đã tiến hành rà soát trên 3.800 chương trình đào tạo của gần 400 ĐH, CĐ. Kết quả cho thấy, nhiều ngành mới mở chỉ là sao chép chương trình đào tạo của một cơ sở nào đó có sẵn, ít khi được xây dựng thích ứng với đặc điểm của trường, của ngành và của địa phương trên cơ sở khảo sát, phân tích nhu cầu lao động
Bộ GD - ĐT cũng chỉ ra nhược điểm của các chương trình đào tạo ĐH, CĐ hiện nay là mục tiêu đào tạo còn rất chung chung, không xác định các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng của sinh viên khi học xong chương trình; không có yêu cầu về thái độ và đạo đức nghề nghiệp của ngành đào tạo…
Cuộc rà soát này cũng đưa ra yêu cầu “trả lại tên” nhiều ngành học, nghe rất “kêu” nhưng thực chất chương trình đào tạo thì không bảo đảm cấu trúc, khối lượng kiến thức theo quy định. Theo danh mục ngành đào tạo dự kiến chuyển đổi này, nhiều trường sẽ phải xác định lại tên ngành học như: ĐH Dân lập Cửu Long đổi tên ngành Quản trị Marketing thành Quản trị kinh doanh; ĐH Hoà Bình đổi ngành Quan hệ công chúng và truyền thông sẽ chỉ là Quan hệ công chúng…
Đó là chưa kể đến, kết quả kiểm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội năm vừa rồi đối với các trường ngoài công lập cũng cảnh báo, các điều kiện đảm bảo chất lượng khác cũng “dưới mức trung bình”.
Về diện tích phòng học, thư viện dành cho sinh viên theo tiêu chuẩn 6m2 một sinh viên nhưng trung bình chỉ đạt có 1,4m2 một sinh viên. Có rất nhiều ngành đào tạo mới mà chương trình chưa ổn định, ngành mới mở bao giờ cũng nhằm vào nghề đang ‘hot” trên thị trường lao động nhưng lại là những nghành nghề chưa có kinh nghiệm đào tạo.
thanhnam (Theo theo tinmoi.vn)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét