Trong ngành khách sạn, nhắc đến cái tên Đống Lương Sơn, người ta nhắc đến một chuyên gia “gánh” những khách sạn kinh doanh không hiệu quả: năm 1999, vực dậy khách sạn Sài Gòn Cần Thơ thành khách sạn đầu tiên và duy nhất của đồng bằng sông Cửu Long nhận danh hiệu khách sạn tốt nhất Việt Nam và là người 4 năm liền đưa khách sạn Yasaka Sài Gòn Nha Trang có mặt trong top 10 khách sạn làm ăn hiệu quả nhất Việt Nam. Bật mí về bí quyết thành công của mình, anh nói: “Yêu cầu đầu tiên trong kinh doanh chính là hiệu quả, muốn hiệu quả trước hết phải kêu gọi được tinh thần hợp tác từ nhân viên, biết cách phát huy tối đa sức mạnh và năng lực tập thể ấy…”
Những bước ngoặt cuộc đời
Cha vốn là hiệu trưởng, mẹ là giáo viên song Đống Lương Sơn lại không theo nghiệp nhà giáo ấy. Ước mơ thuở thiếu thời của anh là được trở thành phi công, được thoả chí bay lượn trên bầu trời xanh thẫm, để được nhìn và được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên, của đất nước từ góc nhìn rộng lớn ấy. Chiến tranh với những gì khốc liệt của nó khiến anh đành khép lại ước mơ ngày xưa, thay vào đó là một cuộc sống yên bình cùng chăn nuôi, trồng trọt với hạnh phúc gia đình giản đơn, Đống Lương Sơn mong trở thành một bác sĩ thú y. Nhưng rồi anh trở thành sinh viên trường Luật – như thể đây là sự lựa chọn của số phận chứ không phải là sự lựa chọn của bản thân anh vậy. Việc học cũng chỉ kéo dài được 1 năm, khi đất nước giải phóng, như bao thanh niên khác muốn đóng góp phần sức cho đất nước, Đống Lương Sơn gác lại nghiệp bút nghiên và lên đường nhập ngũ.
Sau 4 năm thi hành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ trở về, anh may mắn được nhận vào làm bảo vệ cho Công ty du lịch thành phố Hồ Chí Minh nay là Tổng công ty du lịch Sài gòn. (Saigontourist). Nhớ lại ngày ấy, anh không giấu sự chân thành trong giọng nói: “Thời kỳ bao cấp cái gì cũng khó khăn, cái gì cũng thiếu, có được một công việc để làm thật không dễ, lại phù hợp với vị trí một bộ đội xuất ngũ như tôi thì càng khó. Tôi gần như phải nỗ lực làm, đôi khi còn kiêm luôn vai trò của một người bốc vác vật tư cho công ty để lo cho cuộc sống của bản thân và gia đình”.
Năm 1982, theo sự kêu gọi của Đoàn, anh tham gia học nghề mới với hai mục đích: thứ nhất, tạo công việc ổn định thứ hai là xây dựng một đội ngũ kế thừa cho những ngành, nghề đang có nguy cơ mai một, đặc biệt là nghề ”bồi bàn” và đầu bếp. Cũng là một cái nghề, nhưng ngày đó người ta rất coi thường nghề phục vụ bàn nhưng Đống Lương Sơn lại nghĩ khác: vừa là bộ đội xuất ngũ, vừa là một đoàn viên thanh niên, bản thân mình không tham gia thì làm sao kêu gọi mọi người”, không chút e dè, suy tính, anh quyết định tham gia ngay và trở thành học viên đầu tiên của “lớp” nghề phục vụ bàn ở nhà hàng Hương Xuân do Đoàn thanh niên đảm trách. “Không ngờ đó là bước ngoặt quan trọng của đời tôi” - anh bộc bạch.
Việc học ngày xưa còn nhiều thiếu thốn, sách vở để tham khảo cũng rất ít, chỉ học theo thầy là chính bản thân anh phải tự học hỏi, trau dồi không ngừng mới trụ được với nghề, nhưng đã xác định “nghề gì cũng thế, nếu biết “nuôi” đam mê và cầu tiến thì sẽ thành công” – Đống Lương Sơn không ngại nề hà bất cứ công việc gì có liên quan đến nghề từ công việc thấp nhất như quét dọn, chặt đá, rửa ly.… Với mọi thứ anh đều học hỏi và thực hành một cách chuyên tâm nhất nhằm tìm ra bí quyết nghiệp vụ của nghề Đến nỗi thầy anh - một bậc thầy trong ngành mâitre d’hôtel, thường được mọi người gọi với cái tên thân mật là Ba Chín phải thốt lên rằng: “cả đời thầy, trong mấy trăm đứa học trò, chỉ có thằng Sơn là chịu moi ruột, moi gan, moi hết sự hiểu biết của thầy”.
Cứ thế, tay nghề và chuyên môn của anh được nâng cao rõ rệt. Anh giành được nhiều tín nhiệm của các cấp chủ quản. Rồi, khi đất nước mở cửa, các lớp đào tạo về nghề có sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài chính thức ra đời, không bỏ lỡ cơ hội học tập và củng cố chuyên môn, anh tự tin xin công ty cho đi học các khoá bồi dưỡng trên với lời hứa chắc nịch: “học tốt, làm tốt”. Năm 1994, khi nhà hàng khách sạn Đồng Khánh sát nhập vào Công ty Du lịch Sài Gòn vì đáp ứng đủ điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, Đống Lương Sơn được giao tiếp nhiệm chức Quản đốc nhà hàng Đồng Khánh. Đây chính là thành công đầu tiên, khá tương xứng với những gì mà anh đã nỗ lực hết mình trong gần 12 năm gắn bó với nghề.
Năm 1996, với nhu cầu phát triển hệ thống chi nhánh khách sạn Sàigòn tourist ra mọi miền đất nước, Tổng Công ty cần một đội ngũ lãnh đạo mới, năng động hơn, trẻ hơn và giỏi về nghiệp vụ. Không ngần ngại, Đống Lương Sơn mạnh dạn đăng ký tham dự khoá bồi dưỡng kiến thức “Để trở thành những nhà quản lý khách sạn”. Đó là khóa học bồi dưỡng kiến thức quản lý khách sạn do trường TAPE Western Australia tổ chức. “Giờ ngẫm lại, có lẽ đây là bước ngoặt thứ hai trong cuộc đời tôi” – anh nhận định.
Vừa hoàn thành khoá lý luận nghiệp vụ về quản lý khách sạn, Đống Lương Sơn có ngay cơ hội để thử nghiệm lại những gì đã học và thử thách với năng lực bản thân, khi Ban lãnh đạo Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn quyết định một lúc giao cho anh nhiệm vụ quản lý hai khách sạn. Khó khăn đầu tiên không phải ở chuyên môn mà ở việc đi lại. Hai khách sạn thuộc quyền quản lý của anh lại nằm ở 2 đầu đất nước: một, khách sạn Sài Gòn Kim Liên ở Nghệ An và hai, khách sạn Sài Gòn Cần Thơ ở đồng bằng sông Cửu long.
Không thể phân thân, hết từ Nghệ An vô Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn về Cần Thơ và cuối cùng mảnh đất gạo trắng nước trong của dòng sông Hậu đã chọn anh về với mình. Đống lương Sơn trở thành Giám đốc chính thức của sạn Sài Gòn Cần Thơ từ đó.
Dùng chữ "Tâm" để giữ chân người tài
Ngay từ những ngày đầu về khách sạn Sài Gòn Cần Thơ, để ổn định tâm lý của toàn thể nhân viên về Giám đốc mới, anh đã nêu rõ quan điểm dụng người của mình: “Thứ nhất, vì là người mới đến, chưa có cái nhìn toàn cục, tôi sẽ không nghe, cũng như không thiên vị bất cứ người nào, mọi việc sẽ xử lý theo quy định sẵn có. Thứ hai, mọi chuyện cũ đều không tính tới, tôi chỉ đánh giá tính hiệu quả công việc hiện tại mà mọi người làm. Thứ ba, tôi đánh giá cao thái độ hợp tác, đừng bao giờ nói không khi chưa làm thử, cũng như khi sai sót đừng bao giờ đổ thừa mà hãy cùng nhau nhìn nhận vấn đề, nếu một người không giải quyết được thì chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết”.
Cởi mở và chân thành, anh đã thành công bước đầu trong việc ổn định tâm lý cũng như đánh thức chí cầu tiến trong từng nhân viên. Anh triển khai bước thứ hai của chiến lược vực dậy khách sạn : nâng cấp nghiệp vụ cho nhân viên của mình. Với kinh nghiệm của một người đi lên từ nhân viên phục vụ, cùng các kỹ năng được đào tạo ở nước ngoài, Đống Lương Sơn sẵn sàng “cầm tay chỉ việc”, cũng như hướng dẫn tận tình nhất cho từng nhân viên, bắt đầu với những bước cơ bản đến nâng cao như: Bày bàn tiệc, rót rượu, gắp thức ăn và thu dọn sao cho thật nghệ thuật và đạt tính chuyên nghiệp cao nhất. Nhiều người sợ rằng: sau khi được đào tạo, nhân viên sẽ sẽ giỏi hơn mình, sẽ bỏ ra đi hoặc sẽ chiếm mất vị trí của mình nhưng với Đống Lương Sơn thì ngược lại. Anh luôn quan niệm rằng: Đào tạo là một công tác bắt buộc, cần có. Đào tạo để có nguồn nhân lực kế thừa giỏi cho khách sạn, để nếu cần họ có thể nắm giữ những vị trí chủ chốt, sáng tạo và đem lại lợi ích mới cho doanh nghiệp. Đây chính là chiến lược lâu dài cần được xem trọng. “Nếu nhân viên của tôi giỏi, tôi sẵn sàng cất nhắc họ vào những vị trí xứng đáng hơn, để họ phát huy tối đa năng lực của mình” – anh tâm sự chân tình: “Tôi không e ngại nhân viên giỏi hơn mình. Tôi luôn mong họ giỏi hơn tôi, tôi sẵn sàng “dốc cạn” kiến thức của mình cho những nhân viên giỏi, chịu học hỏi (như thầy tôi ngày xưa đã dạy tôi vậy). Chẳng có gì phải dấu giếm cả”. Thực tế là thế, những nhân viên có năng lực đều được Đống Lương Sơn cho lên thành phố đào tạo nâng cao hơn về nghiệp vụ, thậm chí tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa để họ ra nước ngoài học hỏi thêm.
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh
Đặc biệt với phương châm “Hãy coi khách sạn như nhà của bạn”, anh xây dựng Sài Gòn Cần Thơ thành một khách sạn dân chủ tuyệt đối: Mỗi chiến lược, kế hoạch phát triển của khách sạn, nếu thấy chưa phù hợp, mọi nhân viên đều được quyền phản biện. Phương pháp quản lý này có hai cái lợi: thứ nhất, kêu gọi được sự đồng tâm nhất trí của mọi người trong việc xây dựng, quản lý khách sạn thứ hai, sau quá trình thu nhận ý kiến, anh sẽ tổng hợp được lượng chất xám khổng lồ và theo nhận định của Giám đốc Đống Lương Sơn: Một khách sạn nâng cao được tinh thần tập thể và nghiệp vụ sẽ ít sơ suất hơn và kinh doanh sẽ hiệu quả hơn.
Như một lẽ đương nhiên, sau nhiều cải tổ hợp lý, đúng phương pháp, khách sạn Sài Gòn Cần Thơ bắt đầu thu được lợi nhuận, rồi trả hết nợ cho ngân hàng. Năm 1999, khách sạn của anh là khách sạn đầu tiên và duy nhất của đồng bằng sông Cửu Long vinh dự nhận danh hiệu “Khách sạn hàng đầu Việt Nam”.
Với kết quả khả quan ở khách sạn Sài Gòn Cần Thơ, năm 2000, Ban lãnh đạo Tổng công ty Du Lịch Sài Gòn quyết định rút anh về, chuyển sang làm Tổng Giám đốc điều hành cho khách sạn Yasaka Sài Gòn Nha Trang. Đây là một khách sạn liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài giữa 3 Công ty: Tổng công ty du lịch Sài gòn (Sàigòn tourist), Công ty du lịch Khánh Hoà và Công ty Yasaka Nhật Bản, tọa lạc ở vị thế khá đẹp: thành phố biển Nha Trang nhưng lại kinh doanh không mấy hiệu quả.
Nếu khách sạn Sài Gòn Cần Thơ có ưu điểm và nhược điểm khác nhau rõ rệt thì tại Yasaka ưu điểm cũng là nhược điểm và ngược lại. Khách sạn Yasaka toạ lạc ở một thành phố du lịch nổi tiếng - thuận tiệân cho lĩnh vực kinh doanh khách sạn, nhưng nếu không có điểm nổi bật, thương hiệu Yasaka-Saigon-Nhatrang sẽ bị dìm trong con số hàng trăm khách sạn lớn nhỏ ở đây.
Dựa trên 3 quan điểm kinh doanh của riêng bản thân mình: thứ nhất, đem lại hiệu quả cho chủ đầu tư, thứ hai tạo thu nhập bảo đảm cho cuộc sống ổn định của người lao động, kế đến mới là quyền lợi của bản thân Đống Lương Sơn mạnh dạn đề ra 4 tiêu chí thay đổi cách quản lý nhân viên cũng như vực dậy tinh thần làm việc của họ (làm sao để phù hợp với tình hình của khách sạn): chú trọng thứ nhất là kỷ luật nghiêm minh, thứ hai là hợp tác trong làm việc, cùng nhau nhìn nhận và đưa ra cách giải quyết khả thi nhất cho mọi vấn đề Thứ ba là anh kêu gọi sự nhiệt tình trong cung cách làm việc cuối cùng, thứ tư là đánh giá cao tính hiệu quả trong công việc của người nhân viên đó. Và “nếu nhân viên đã cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao nhưng khách sạn vẫn không phát triển, tôi sẽ coi lại bản thân mình" - anh khẳng định một cách thẳng thắn.
Sau khi đã ổn định tình hình nhân sự, anh bắt đầu xác định thị trường kinh doanh vì theo anh: “xác định đúng mới có kế hoạch kinh doanh cụ thể được” và thị trường mà khách sạn hướng đến là trung và cao cấp. Bước thứ ba, để khuếch trương thương hiệu Yasaka-Saigon-Nhatrang giữa hàng trăm thương hiệu khác, anh nghiên cứu ý tưởng kinh doanh đột phá cho Yasaka-Saigon-Nhatrang. Và một thương hiệu khách sạn thân thiện, xanh, sạch đẹp mang đậm phong cách Việt và nét văn hóa đặc trưng của Sài Gòn tourist ra đời. Nhưng xem ra vẫn chưa đủ nâng Yasaka- Sài gòn- Nhatrang thành 1 cái tên, 1 sự lựa chọn hàng đầu trong lòng khách hàng.
Sau bao trăn trở, tìm tòi anh cùng đồng sự tìm ra cho Yasaka-Saigon-Nhatrang một hướng đi riêng: khách sạn chuyên tổ chức sự kiện. Với hươnùg đi lạ này, khách sạn đã dần định hình được danh tiếng của mình, khi không ít lần tổ chức nhiều sự kiện thành công như: Các hội nghị trong khuôn khổ của Apec như hội nghị của WORLD Bank …, hội nghị câu lạc bộ các Vịnh đẹp nhất thế giới và vinh dự nhiều lần được đón tiếp các vị Lãnh đạo củaĐảng và Nhà nước. Sở hữu 2 kỷ lục Việt Nam: đòn bánh tét dài nhất và cây thông noel bằng vỏ chai cao nhất. Hai năm liền, năm 2004 và 2005 được bạn đọc báo THE GUIDE tạp chí có uy tín tại Việt nam bầu chọn là “ khách sạn có dịch vụ tốt nhất ở Nha trang” Ngoài ra, Yasaka-Saigon-Nhatrang còn là một khách sạn “nhiệt tình” trong công tác từ thiện, luôn mở rộng vòng tay nhân ái đón nhận những trẻ em, thanh niên cơ nhỡ, khó khăn vào làm việc hoặc nhận đào tạo nghề miễn phí cho họ. Điển hình như: đòn bánh tét dài nhất, sau khi được công nhận kỷ lục Việt Nam, đã được bán đi, lấy tiền ủng hộ người nghèo, phát cơm từ thiện ở bệnh viện, tổ chức vui chơi miễn phí cho người dân địa phương…
Một năm sau, bằng những nỗ lực liên tục trong kinh doanh và đóng góp cho xã hội, khách sạn Yasaka Sài Gòn Nha Trang vinh dự lọt vào danh sách 10 khách sạn hàng đầu làm ăn có hiệu quả nhất Việt Nam. Người hạnh phúc nhất là Đống Lương Sơn – Tổng giám đốc khách sạn: “Tôi rất tự hào vì không chỉ một năm mà 4 năm liêp tiếp khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang có tên trong bảng xếp hạng TOP TEN- 10 khách sạn kinh doanh hiệu quả hàng đầu Việt Nam”.
Hiện nay, trái với thái độ lo lắng của các doanh nghiệp trong nước trước sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, anh vẫn lạc quan: “tôi đã đi rất nhiều và tìm hiểu rất nhiều, ngành khách sạn của mình không hề thua kém về chuyên môn nghiệp vụ so với các nước trên thế giới. Những người lãnh đạo Việt Nam đủ khả năng cạnh tranh với các tập đoàn khách sạn lớn, nhưng cái quan trọng là mình phải chịu khó học hỏi”.
Và để đón đầu cơ hội lớn này, ngay từ bây giờ, Đống Lương Sơn đã triển khai và tiến hành xây dựng khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang thành một khách sạn giữ vững chuẩn 4 sao, đồng thời xây mới thêm 150 phòng, đáp ứng tối đa nhu cầu phục vụ khách trong nước và du khách quốc tế đặc biệt đón tiếp thị trường MICE – đối tượng khách hàng tiềm năng trong tương lai. Với slogan “Nha Trang smile of the sun” - Nha Trang thành phố biển quanh năm chan hòa nắng đẹp, cùng một Tổng giám đốc nhiệt tình, tâm huyết trong ngành du lịch, thương hiệu Yasaka -Sài Sòn -Nha Trang được tin tưởng sẽ thành công khi hội nhập vào thương trường thế giới.
Nguyễn Hương - Thái Kiên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét